Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Với GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á xếp trên Philippines (462 tỷ USD) và Malaysia (422 tỷ USD). Nếu xét trên thế giới, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,8% vào năm 2025, so với mức 3,3% của năm 2024. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. Nguyên nhân chính là do tác động của các chính sách thuế mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó bao gồm việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với một loạt nền kinh tế trên thế giới, cùng với làn sóng bất ổn kéo theo.
Đối với khu vực châu Á, đặc biệt các nước ASEAN, chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng áp thuế mới. Trong đó, Philippines tăng trưởng 5,5%, còn Thái Lan tăng trưởng khiêm tốn chỉ 1,8% trong năm 2025. Đối với Việt Nam, IMF dự báo, năm 2025, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,2%.
Về quy mô kinh tế, theo số liệu của IMF, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2025 ước đạt 491 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (1,3 tỷ USD), Singapore (564,7 triệu USD), Thái Lan (546,2 triệu USD) và Philippines (497,5 triệu USD).
Đáng chú ý, IMF ước tính, đến năm 2029, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 627 triệu USD, vượt qua Thái Lan (616 triệu USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 32 trên thế giới, và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: IMF
Còn theo dữ liệu của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, CEBR dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 676 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 33, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Singapore (656 tỷ USD), Malaysia (594 tỷ USD).
Về tăng trưởng GDP, các chuyên gia CEBR đánh giá, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến sẽ chậm lại, trung bình đạt 5,8%.
Từ năm 2030-2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm thêm xuống còn 5,6% mỗi năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2024 đến 2039, CEBR dự báo thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Kinh tế Thế giới sẽ cải thiện đáng kể, tăng từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 25 vào năm 2039.